Lúc “xuống tiền” đóng 100 triệu cho hai đứa con, chị Trâm (TP.HCM) không nghĩ sau đó mình phải tốn thời gian và công sức để đòi lại.

Những ngày qua, thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) bị bắt, chị Trâm, một phụ huynh ở TP.HCM như “ngồi trên đống lửa”. Chị Trâm cũng như rất nhiều phụ huynh Apax Leaders khác hoang mang với câu hỏi: “Ai sẽ trả học phí cho mình?”.

Đầu năm 2022, chị Trâm “xuống tiền” nộp học phí cho hai con với số tiền tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, con mới học được mấy tháng thì trung tâm chuyển đổi địa chỉ nên ngưng. Vừa học lại một thời gian thì cuối năm 2022, chị lại nhận thông báo dừng học offline, thay thế bằng học online. Sau Tết Nguyên đán năm ngoái, trung tâm im lặng không một động thái nào cho thấy còn hoạt động. Khi chị Trâm hỏi thăm thì mới được biết đang tạm ngưng chờ thông báo chính thức.

Đợi hơn nửa năm, đến lúc thông tin phụ huynh đòi nợ lùm xùm trên các phương tiện truyền thông thì gia đình chị mới nhận thông báo: Một là chuyển con qua học bên chi nhánh HimLam, hai là rút học phí, chị Trâm chọn phương án 2. Trung tâm hứa hẹn trả thanh toán chia theo 3 đợt.

Phụ huynh Apax Leaders đắng lòng: Nộp hơn 100 triệu học phí, đấu tranh ròng rã 2 năm rồi đòi được số tiền ít đến... ngã ngửa! - Ảnh 1.

Tháng 9/2023, chị Trâm lên trụ sở ở Phan Xích Long ký giấy tờ, 2 tháng sau nhận được 1,5 triệu.

Phụ huynh Apax Leaders đắng lòng: Nộp hơn 100 triệu học phí, đấu tranh ròng rã 2 năm rồi đòi được số tiền ít đến... ngã ngửa! - Ảnh 2.

Thông tin phía Apax Leaders gửi phụ huynh sau khi Shark Thủy bị bắt.

Tháng 9/2023, chị Trâm lên trụ sở ở Phan Xích Long ký giấy tờ, 2 tháng sau nhận được 1,5 triệu. Dù giấy xác nhận còn 68 triệu nhưng từ đó đến nay chị không nhận được thêm 1 đồng nào nữa.

“Hai ba năm nhắn tin gọi điện, lên làm việc các kiểu lấy lại được 1,5 triệu. Cho con đi học để mong con có thêm kiến thức, phụ huynh cũng học được thêm bài học về lòng tin và sự lừa gạt trên tri thức của những người được gắn mác ‘doanh nhân’. Hai năm ròng rã nằm vùng trong nhóm phụ huynh bị lừa gạt bởi APax Leaders, làm đủ các thủ tục như kiểu vẽ đường hươu chạy để họ có thêm thời gian đối phó với phụ huynh. Xong giờ phụ huynh lại bỏ thêm thời gian đi kiện tụng để mong lấy lại được tiền. Mất tiền, mất cả lòng tin”, bà mẹ này than thở.

Cũng như chị Trâm, chị Trân – một phụ huynh khác có hai con từng theo học ở Apax Leaders nhiều năm nay cũng chật vật vì chuyện đòi học phí cho con. Đóng học phí 1 năm cho hai con hơn 70 triệu đồng (sau khi đã trừ ưu đãi 5% đóng nguyên năm), chị Trân không ngờ con học 3, 4 năm vẫn chưa xong. Có những giai đoạn trung tâm khó khăn, chị Trân vẫn thông cảm và chấp nhận cho con học online. Nhưng sau đó là một chuỗi những lùm xùm khiến chị và các con vô cùng mệt mỏi.

Khi hàng chục trung tâm Apax đóng cửa, chị Trân nhận định việc đòi lại tiền sẽ không đi đến đâu, vì phía Apax không có thiện chí khắc phục hậu quả. Trung tâm hứa trả học phí theo hàng tháng, nhưng cho đến nay, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Niềm tin dành cho Apax của chị gần như đã cạn kiệt.

Trước đó, Sở GD-ĐT TP. HCM đã thống kê, hiện tổng số học sinh của các trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders tại thành phố là 11.295 em. Số tiền học phí Apax phải hoàn trả là 108.100.112.947 đồng, trong đó, đã trả 14.277.542.472 đồng. Apax còn nợ 93.822.570.475 đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11.574.439.307 đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng.

Shark Thủy bị bắt, quyền lợi của trẻ theo học Apax ra sao?

Theo thông tin từ Tập đoàn Egroup, ngay sau khi có thông tin bị khởi tố, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã tiến hành ủy quyền điều hành tập đoàn và Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame cho bà Nguyễn Thị Dung, là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Egame, thành viên Ban lãnh đạo của Tập đoàn Egroup. Đồng thời, ông Thủy đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp này cho bà Dung theo điều lệ công ty và quy định của pháp luật.

“Trong mọi tình huống, Ban lãnh đạo luôn ưu tiên đảm bảo hoạt động ổn định tại các đơn vị thành viên như: Hệ thống trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, Hệ thống trường mầm non STEAMe Garten, Hệ thống trung tâm đào tạo năng lực tư duy sáng tạo quốc tế CMS Edu… để đảm bảo quyền lợi học tập của các học viên, của khách hàng, đối tác và các cổ đông”, đại diện Tập đoàn Egroup cho biết.

Trong thông báo ngày 26/3, phía Apax cho biết việc ông Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt hoàn toàn không tác động đến hoạt động vận hành và giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ đang mở cửa của Apax. Cụ thể là 9 trung tâm: Hoàng Đạo Thúy, Cẩm Phả, Uông Bí, Lê Hồng Phong – Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Ban lãnh đạo và các giám đốc Trung tâm Anh ngữ Apax cam kết duy trì hoạt động liên tục của các trung tâm trên nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Phía Apax cũng cho hay trong thời gian cơ quan chức năng điều tra, Apax sẽ tạm dừng việc xác nhận học phí và công nợ học phí.

Đồng thời, Apax cũng tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra. Phía Apax sẵn sàng phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thúc đầy tiến trình điều tra. “Trong thời gian khó khăn này, Apax mong muốn nhận được sự thấu hiểu và đồng hành cùng phụ huynh” – thông báo của Apax nêu.