Khi hay tin sẽ tăng lương cơ bản từ ngày 1.7.2024, nhiều giáo viên hồi hộp chờ đợi và hi vọng tiền lương sẽ cải thiện.

Giáo viên vui mừng trước thông tin tăng hơn 30% lương cơ bản, phụ cấpLương giáo viên sau cải cách năm 2024 sẽ là bao nhiêu? Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Tăng hơn 32% lương giáo viên từ 1.7.2024

Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện nay lên 1 – 2,68 – 12.

Theo đó, mức lương thấp nhất của viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp (hệ số lương 1,86 hiện nay).

Mức lương trung bình của viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng (hệ số lương 2,34).

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt 18 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Như vậy dự kiến từ 1.7.2024, tiền lương trung bình của viên chức là giáo viên (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) sau khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Riêng giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% từ 1.7.2024 ) và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học và giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.

Thấp thỏm từng ngày chờ đợi lương tăng

Tham gia vào nhiều hội nhóm dành cho các giáo viên trên mạng xã hội, cô Dương Thị Phượng – giáo viên Trường Mầm non An Nội (Hà Nam) – liên tục cập nhật các tin tức về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề… của giáo viên. Cô Phượng nhận thấy, thời gian qua, rất nhiều giáo viên trao đổi, tương tác với nhau về tin cải cách tiền lương diễn ra vào 1.7.2024.

“Nhiều câu hỏi về tiền lương cho các giáo viên được đặt ra, thầy cô bàn luận, chia sẻ với nhau rất sôi nổi. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề tăng lương, giáo viên được hưởng những loại phụ cấp nào… Một trong số đó, các thầy cô thường băn khoăn về việc bỏ phụ cấp khi cải cách tiền lương có làm giảm lương của các giáo viên hay không?” – cô Phượng cho biết.

Cũng theo giáo viên này, việc cải cách tiền lương là một vấn đề lớn, cần có thời gian để hoàn thiện và sắp xếp hợp lý.

“Đã rất lâu rồi mới có một đợt cải cách tiền lương, do đó, việc các giáo viên bày tỏ sự trông chờ và hi vọng lương tăng là điều dễ hiểu. Theo tôi, các chính sách nào đưa ra cũng cần có quy trình để hoàn thiện, bổ sung hợp lý nhất. Nhìn vào các thông tin hiện nay, tôi tin rằng, sau cải cách tiền lương, thu nhập giáo viên sẽ tăng cao” – cô Phượng dự đoán.

Ấp ủ ước muốn tăng lương từ rất lâu, cô Tạ Thị Kim Thoa – giáo viên cấp THCS tại Bình Định cho rằng, khi tăng lương, nhiều giáo viên sẽ bớt đi nỗi lo kinh tế, có thêm động lực để gắn bó.

“Nhiều giáo viên hồi hộp, trông chờ từng ngày để xem tiền lương có tăng hay không. Nếu tăng, chất lượng cuộc sống của giáo viên sẽ được cải thiện hơn, nhất là đối với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, công tác ở vùng sâu vùng xa” – cô Thoa nói.