Từng nhiều năm giữ chức vụ quản lý, NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn vẫn thường động viên đồng nghiệp: “Hãy cố gắng làm tốt, minh bạch, rõ ràng sẽ không sợ mang tiếng”.

LỜI TÒA SOẠN

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Để thực hiện quốc sách này, phải thực hiện xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là một trong những khoản được phép thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vậy nhưng, “đến hẹn lại lên”, câu chuyện xã hội hóa giáo dục tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều hiệu trưởng chia sẻ với VietNamNet, thời gian qua, hàng loạt trường trên cả nước bị phản ánh về các khoản thu, nhiều hiệu trưởng bị cách chức, kỷ luật. Hình ảnh người thầy bị bàn tán trên mạng xã hội khiến họ rất áp lực và trở nên rụt rè, thận trọng trong việc kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa…

VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài Vận động xã hội hóa trường học – nỗi khổ chưa kể của hiệu trưởng, mời độc giả đón đọc.

NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, từng có nhiều năm giữ vai trò hiệu trưởng ở các trường THPT. Ông thẳng thắn nhìn nhận về “cái khó” của người đứng đầu nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh nguồn kinh phí Nhà nước cấp hạn hẹp, chưa đủ để chi cho các hoạt động của nhà trường, tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.

Theo ông, làm xã hội hóa giáo dục một cách chân chính sẽ đem lại những lợi ích rất tốt, có lợi cho ngành giáo dục và thầy trò. Nhưng cũng có những “cạm bẫy”, rủi ro khiến giáo viên, nhà trường dễ bị phản ứng.

“Hàng năm, cứ vào tháng 9 mùa khai giảng, phụ huynh lại gọi đây là “mùa thu tiền”. Nhiều phụ huynh thường ca thán “năm nào nhà trường cũng vẽ ra để thu”. Với nhà giáo, hẳn ai cũng buồn khi nghe được những điều ấy”.

Mặc dù thừa nhận thực tế cũng có không ít hiệu trưởng lợi dụng chức quyền hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra lạm thu, gây ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh người thầy, nhưng theo TS Nguyễn Thanh Sơn “đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”.

“Chắc chắn giáo viên không giàu lên nhờ những đồng tiền như thế. Tôi tin rằng những người làm giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động phụ huynh đóng góp. Họ chỉ mong được toàn tâm, toàn ý làm các công việc chuyên môn. Đây là “những nỗi khổ tâm” mà người thầy luôn mong muốn được phụ huynh thấu hiểu và chia sẻ”, ông Sơn nói.W-minhhoaa-1050-1283-1.jpgẢnh minh họa: Thanh Tùng
Để rõ ràng ranh giới giữa xã hội hóa giáo dục và lạm thu, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng ngay khi vào đầu năm học, hiệu trưởng cần làm rõ các khái niệm, chẳng hạn khoản “học sinh đi học phải chi” và khoản “nhà trường thu”.

“Trẻ đi học đầu năm, phụ huynh phải chi rất nhiều thứ, nhưng không phải cái gì phụ huynh nộp cũng là nhà trường thu. Chẳng hạn như: đồng phục, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế… đều là những thứ học sinh được thụ hưởng.

Đối với những khoản nhà trường thu như: Học phí, quỹ xây dựng trường… đều có mức quy định từ trước. Vì thế khi thông báo với phụ huynh về các khoản cần đóng góp, nhà trường cần phân định rõ điều này”.

Ngoài ra, việc sắm sửa trang thiết bị, tu bổ các hạng mục… vốn cần khối lượng tiền không nhỏ. Để huy động khoản tiền lớn như vậy sẽ không tránh khỏi việc “gây xôn xao lòng dân”.

“Để nhận được sự đồng thuận, tôi cho rằng hiệu trưởng chỉ nên là người đứng ra nói lên mong mỏi của mình. Hãy đứng ở cương vị của phụ huynh để thấu hiểu họ trước khi phát ngôn”, ông Sơn nói.

Chuyện can thiệp hay trực tiếp chỉ đạo trực tiếp trong các đầu việc, theo ông Sơn là điều hiệu trưởng không nên làm. Thay vào đó, nhà trường có thể xin sự hỗ trợ từ cấp trên và hội cha mẹ học sinh.

Chẳng hạn, nếu thuộc cấp tiểu học, THCS, nhà trường có thể báo cáo lên Phòng GD-ĐT, sau đó Phòng GD-ĐT sẽ báo cáo với huyện về kế hoạch sắm sửa, tu bổ. Huyện sẽ thành lập các ban chuyên môn với đầy đủ kinh nghiệm, tư cách pháp nhân, năng lực quản lý tài chính để hỗ trợ, chỉ huy, tiếp nhận tài trợ, đóng góp… Tương tự, với cấp THPT, các trường có thể xin sự hỗ trợ từ Sở GD-ĐT và của tỉnh.

“Nếu làm được như vậy, hiệu trưởng cũng sẽ toàn tâm thực hiện các công việc chuyên môn, việc xã hội hóa cũng được công khai, minh bạch”, TS Nguyễn Thanh Sơn nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng ranh giới giữa xã hội hóa giáo dục và lạm thu hiện nay đang rất mong manh. Do các hướng dẫn không cụ thể, rõ ràng, nhiều người đã lợi dụng kẽ hở để làm những việc không đúng. Ngoài ra, việc huy động từ phía phụ huynh nếu làm không tốt cũng dễ nảy sinh các suy nghĩ tiêu cực.

Cho nên, để nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, theo ông Lâm, cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục cũng phải vào cuộc để cùng nhà trường tìm cách thực hiện công khai, minh bạch.

“Lúc này, chính quyền địa phương sẽ tham gia chỉ đạo, giữ vai trò đầu mối kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Cùng với ngân sách địa phương, còn thiếu bao nhiêu nhân dân sẽ cùng đóng góp”.

Việc đóng như thế nào cũng cần bàn tính và phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không quy định mức tài trợ bình quân hay mức tài trợ tối thiểu. Khi có chủ trương, kế hoạch rõ ràng và thực hiện công khai, minh bạch, theo ông Lâm, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh.