Chu Du và Gia Cát Lượng ai giỏi hơn? Đừng chỉ đánh giá qua câu: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”!

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung rõ ràng ưu ái Gia Cát Lượng nhất. Thế cho nên khi đặt Gia Cát Lượng bên cạnh các nhân vật khác để so sánh, người ta chỉ nghĩ đến Gia Cát Lượng. Như so sánh Chu Du và Gia Cát Lượng ai giỏi hơn, người ta nghĩ ngay đến câu cảm thán của Chu Du: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”!

 

Vậy thực sự Chu Du là người như thế nào? Ông ta nói câu đó có phải vìghen tỵ với Gia Cát Lượng không?

Chu Du không những tướng mạo anh dũng tuấn tú, nho nhã ôn hòa, một bụng thi họa, tinh thông binh pháp, hiểu sâu âm luật, mà còn khí lượng quảng đại. Tuổi trẻ đã có hùng tài đại lược, do đó mới được Lưu Bị ca ngơi là “Vạn nhân chi anh” (Anh hùng của vạn anh hùng).

Trong sách Tam quốc chí có chép, Chu Du xuất thân từ một gia đình thế tộc lớn huyện Thư, quận Lư Giang – An Huy ngày nay. Anh trai ông nội ông là Chu Cảnh, chú họ Chu Trung đều đã làm thái úy nhà Đông Hán (một trong cửu khanh). Cha ông là Chu Dị làm huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói gia tộc ông là một đại tộc sự nghiệp hiển hách.




Chu Du “cường tráng, tuấn tú” là hậu thế của một đại gia tộc danh tiếng, ông có thân hình vạm vỡ cao lớn, thể chất tráng kiện, dung mạo tuấn tú. Không chỉ có vậy, Chu Du còn văn hay võ giỏi.

Sử sách có chép, khi Chu Du ở tuổi thiếu thời đã tinh thông âm luật, chơi đàn rất hay, cho dù sau khi uống 3 chung rượu, người chơi nhạc chỉ chơi sai tí chút, ông đều có thể nhận ra, đồng thời lập tức quay đầu nhìn người chơi sai, rồi chỉ bảo. Do Chu Du tướng mạo anh hùng tuấn tú, các cô gái chơi đàn vì muốn được ông để mắt đến, thường thường cố ý chơi sai nhạc phổ.

Vì vậy trong dân gian lưu truyền câu: “Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố” (Khúc nhạc nhầm, Chu Lang nhìn). Từ sau thời Ngụy Tấn, “Chu Lang cố khúc” được dùng làm điển cố, được các đại văn hào thường viên dẫn sử dụng, thường xuất hiện trong các tác phẩm văn học các thể loại thơ ca, nhạc kịch… Lý Đoan đời Đường có bài thơ “Thính Tranh” (nghe đàn tranh) ca ngợi rằng:

Đàn tranh réo rắt phím trụ vàng,

Mỹ nhân phòng ngọc tay nhẹ nhàng.

Mặt hoa muốn được Chu Lang ngắm

Cung đàn lỗi nhạc lòng xốn xang.

Chu Du nho nhã, tinh thông âm luật, về quân sự lại có tài năng phi phàm. Những năm cuối đời Đông Hán, quần hùng nổi dậy. Phá Lỗ tướng quân Tôn Kiên dấy binh thảo phạt quyền thần Đổng Trác phế bỏ Thiếu Đế, đồng thời chuyển nhà đến huyện Thư. Con trai Tôn Kiên “Tiểu Bá Vương” Tôn Sách và Chu Du đồng niên, hai người chí đồng đạo hợp, tình như thủ túc. Chu Du còn nhường khu nhà lớn cho Tôn Sách ở, đồng thời “Lên nhà bái mẫu thân, không có gì là không cùng nhau”. Sau đó, Chu Du và Tôn Sách hợp quân chinh chiến, thế như chẻ tre, xưng bá Giang Đông.

Viên Thuật đương thời thế lực khá mạnh rất hâm mộ tài năng của Chu Du, mời ông đến dưới trướng làm tướng (Tôn Sách lúc đó về danh nghĩa vẫn là thuộc hạ của Viên Thuật). Chu Du biết Viên Thuật không phải là người có thể thành tựu đại nghiệp, bèn tìm cớ trở về với Tôn Sách.

Tôn Sách nghe tin Chu Du trở về, đích thân nghênh tiếp, đồng thời phong làm Kiến uy trung lang tướng, trao cho 2 nghìn quân và 50 con chiến mã. Năm đó, Chu Du 24 tuổi, người đất Ngô (Giang Tô – Chiết Giang ngày nay) đều rất tôn sùng ông, gọi ông là “Chu Lang”.

Sau đó, Chu Du cùng với Tôn Sách chinh chiến khắp nơi. Sau khi công hạ đất Hoãn (An Huy ngày nay), cả hai được Kiều gia gả cho hai cô con gái, đều là quốc sắc thiên hương. Tôn Sách lấy cô chị Đại Kiều, Chu Du lấy cô em Tiểu Kiều. Trai tài gái sắc, nhanh chóng lan truyền giai thoại đẹp.




Sau khi Tôn Sách bị đâm chết, Chu Du với thân phận là Trung hộ quân và Trưởng tử Trương Chiêu cùng phò tá Tôn Quyền, em trai Tôn Sách. Trương Chiêu gánh vách việc triều chính, Chu Du đảm nhiệm việc dẫn quân bên ngoài, chống kẻ địch, mở mang lãnh thổ. Lúc đó Giang Đông có lan truyền câu nói để đời “Việc bên trong không quyết định được thì hỏi Trương Chiêu, việc bên ngoài không quyết định được thì hỏi Chu Du”.

Chu Du trung thành tận tụy, ở bên ngoài giỏi điều binh khiển tướng, liên tiếp tiêu diệt hơn vạn quân thổ phỉ, đồng thời đánh lui cuộc tấn công của quân đội Lưu Biểu. Năm 208, sau khi Tôn Quyền quyết chí thảo phạt Giang Hạ, Chu Du được phong làm Tiều bộ đại đô đốc.

Khí độ phi phàm, cao nhã tột bậc

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Chu Du bị miêu tả là người lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ Gia Cát Lượng, liên tiếp nghĩ cách đưa Khổng Minh vào chỗ chết. Nhưng sự thực lịch sử là, cái gọi là Chu Du ganh ghét Khổng Minh, Khổng Minh 3 lần chọc tức Chu Du, cho đến Chu Du cảm khái than “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng” xong rồi chết, tất cả hoàn toàn là không hề tồn tại. Chu Du thực sự là người khí độ phi phàm, tấm lòng rộng mở, cao nhã tột bậc.

“Tam Quốc chí” ca ngợi Chu Du “Tính tình độ lượng rộng lớn, là người đại lượng… quả là bậc kỳ tài”, ông khiêm nhường lễ ngộ hiền tài, rất được mọi người yêu kính. “Giang biểu truyện” có chép câu chuyện giữa Chu Du và đại tướng Trình Phổ càng nói rõ hơn vấn đề.

Trình Phổ là lão thần Đông Ngô, đã theo Tôn Kiên vào tử ra sinh, lập nhiều chiến công hiển hách. Trình Phổ thấy Chu Du gia thế hiển hách, thiếu niên đắc chí, trong lòng không vui, cho rằng Chu Du nhờ phúc ấm tổ tiên, do đó thường thường thể hiện tức giận khinh thường ngay trước mặt Chu Du, đồng thời nhiều lần sỉ nhục Chu Du.

Chu Du không hề tức giận, trái lại càng cung kính đối đãi với Trình Phổ, nhẫn nhịn vì quốc gia. Trình Phổ trong lòng cảm động, càng kính trọng Chu Du hơn, đồng thời nói với mọi người quanh mình rằng: “Kết giao với Chu Công Cẩn, như uống mỹ tửu ngọt ngào, bất tri bất giác tự mình ngất ngây say Chu Du rồi”.

Có thể khiến cho lão tướng Trình Phổ cao ngạo khâm phục ca ngợi, đủ thấy lòng dạ rộng lớn, nhân cách đầy cuốn hút của Chu Du, người như thế này làm sao có thể đố kỵ Gia Cát Lượng được?

Trong lịch sử còn có Tưởng Cán du thuyết Giang Đông, không thể nói động đến Chu Du được, trở về báo cáo với Tào tháo, khen Chu Du “Cao nhã tột bậc, không thể dùng lời nói mà làm động tâm được”. Mà khi Lưu Bị đến Kinh Khẩu mượn Kinh Châu, đã cùng với Tôn Quyền nói về Chu Du, khen rằng “Văn võ thao lược, là anh hùng của vạn anh hùng”. Ngoài ra, Chu Du còn cho Lưu Bị mượn 2000 quân, đây quyết không thể là người lòng dạ hẹp hòi có thể làm được.

Hồng Mại đời Nam Tống trong “Dung trai tùy bút” có bàn đến các tướng soái cổ kim. Có rất ít người không tự cao tự đại, không đố kỵ người hơn mình, nhưng “Tôn Ngô tứ anh tướng” thì Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông và Lục Tốn đều không phải người như thế.

Chu Du hết sức tiến cử Lỗ Túc chính là ví dụ điển hình. Hơn nữa, trong tác phẩm từ khúc của đại văn hào đời Tống Tô Thức trong phần mở đầu bài viết, có thể khẳng định là, ít nhất ở đời Tống, hình tượng Chu Du vô cùng chính diện. Nhưng bắt đầu từ đời Nguyên, hình tượng Chu Du bị bóp méo, và đã ảnh hưởng đến hậu nhân.





Related Posts

Our Privacy policy

https://kenh10.net - © 2024 Tin Tức