Bảng lương mới không còn dùng khái niệm hạng, nhưng đối với chức danh nghề nghiệp vẫn có nhiều bậc lương, giáo viên vẫn có thể được xét tăng lương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 135/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tại Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. [1]

Kế hoạch nhằm bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện từ ngày 01/7/2024.
anh minh hoa.jpgẢnh minh họa: giaoduc.net.vn
Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Quyết định số 135/QĐ-TTg

Tại mục II của kế hoạch thực hiện chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức kèm theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ nêu cụ thể kế hoạch thực hiện cải cách tiền lương mới từ 01/7/2024 như sau:

 

“1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, Kết luận số 64-KL/TW và Nghị quyết số 104/2023/QH15; quán triệt thống nhất nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

2. Báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã

3. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới

a) Xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang.

b) Rà soát sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy; chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương.

4. Xây dựng Tờ trình về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

5. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

a) Xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang.

b) Hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.

c) Xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

d) Xây dựng Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

đ) Xây dựng Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.

e) Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo thẩm quyền được giao tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.

6. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp

a) Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động.

b) Ban hành Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước.

7. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.

8. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.”

Từ 01/7 tới, giáo viên có còn chia thành các hạng I, II, III hay không?

Hiện nay, theo các quy định về trả lương, giáo viên mầm non, phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) được chia thành 3 hạng I, II, III.

Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.

Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.

Từ 01/7 tới, khi thực hiện cải cách tiền lương mới, giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.

Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, đối với giáo viên là viên chức sẽ được bổ nhiệm từ hạng I, II, III đang hưởng theo các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT) sang lương mới với nhiều bậc lương khác từ 01/7/2024.

Như vậy, bảng lương mới không còn dùng khái niệm hạng, nhưng đối với chức danh nghề nghiệp vẫn có nhiều bậc lương khác nhau, giáo viên khi công tác đủ thời gian, hoàn thành nhiệm vụ vẫn có thể được xét tăng lương thường xuyên, trước niên hạn.

Tuy nhiên, mức lương thực nhận sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu, không còn hệ số lương không còn các khoản phụ cấp đặc thù như thâm niên, chức vụ,…

Nếu từ 01/7/2024, không còn chia giáo viên thành các hạng I, II, III là điều đáng mừng, bởi giáo viên là lao động đặc thù, công việc như nhau cùng giảng dạy, giáo dục học sinh, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương,…như nhau, việc chia thành các hạng thời gian qua trong đó có nhiều người giỏi ở hạng thấp, người không giỏi, không thành tích ở hạng cao đã tạo ra một số bất công nhất định.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để việc chuyển xếp từ lương các hạng I, II, III hiện nay sang lương mới từ 01/7 tới sẽ đảm bảo công bằng, khoa học hơn, bám theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, tránh một số bất cập, bất công khi chia hạng như hiện nay.