Người viết cho rằng Bộ Giáo dục đã hoàn toàn đúng đắn khi không còn quy định giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp, viết sổ dự giờ.

Một trong những điểm mới của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 01/11/2020 là quy định giáo viên không còn bắt buộc phải dự giờ đồng nghiệp hoặc được đồng nghiệp dự giờ, trừ việc tham dự các kỳ thi giáo viên giỏi.

Tuy nhiên, đáng tiếc ở rất nhiều địa phương vẫn còn tình trạng yêu cầu giáo viên phải dự giờ, dù biết điều này không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gia tăng áp lực lên giáo viên.

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực về tiết dự giờ. Ảnh minh họa: Báo Lao độngGiáo viên đang chịu nhiều áp lực về tiết dự giờ. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Giáo viên cấp 2, 3 hiện nay không còn quy định phải dự giờ

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020 không quy định về việc dự giờ, thăm lớp. Theo đó, Điều 70 Luật Giáo dục chỉ quy định nhiệm vụ của nhà giáo gồm: Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; thực hiện điều lệ nhà trường…

Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT và đến năm 2018 tiếp tục được thay thế bằng Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ban hành tiêu chuẩn về đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, cả hai Thông tư này đều không còn quy định về hoạt động dự giờ của giáo viên như các văn bản trước đây.

Như vậy, nói cách khác không có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về số tiết dự giờ, thăm lớp của giáo viên. Các văn bản hiện hành không còn quy định số tiết dự giờ bắt buộc.

Hiện nay, chỉ có giáo viên cấp tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT. Trong đó, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên tiểu học bao gồm:

– Kế hoạch bài dạy;

– Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh;

– Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm);

– Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Bên cạnh đó, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nêu tại Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư này đã không còn đề cập đến “sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp” mà chỉ còn:

– Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

– Kế hoạch bài dạy (giáo án).

– Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

– Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Ngoài ra, khoản 2 Điều 29 Điều lệ ban hành kèm Thông tư này nêu rõ, giáo viên chủ nhiệm còn có quyền: Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.

Như vậy, với các giờ học của học sinh do mình làm chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm được dự giờ. Theo người viết hiểu, việc dự giờ tại lớp chủ nhiệm để xem học sinh học như thế nào để giáo dục, uốn nắn, không phải dự xem đồng nghiệp dạy ra sao.

Như vậy, từ các phân tích trên, từ 01/11/2020, chỉ giáo viên chủ nhiệm mới phải tham gia dự giờ các lớp do học sinh mình chủ nhiệm còn các giáo viên khác thì không cần.

Bên cạnh đó trong các nhiệm vụ của giáo viên cũng không còn quy định phải dự giờ đồng nghiệp hoặc được đồng nghiệp dự giờ mình.

Việc dự giờ đã hết sứ mệnh lịch sử, nên được bãi bỏ trong giai đoạn hiện nay

Có thể thấy trong thời gian dài, việc dự giờ mang trên mình sứ mệnh lớn lao, việc dự giờ không chỉ giúp cho giáo viên đến dự giờ để học tập, đúc kết kinh nghiệm từ trong tiết dạy của đồng nghiệp, mà còn giúp cho giáo viên có được những kinh nghiệm và sáng tạo trong việc xử lý các tình huống trong tiết học.

Thông qua các tiết dự giờ, Ban giám hiệu nhà trường và các tổ trưởng sẽ dễ dàng đánh giá xếp loại giáo viên. Còn giáo viên tự nhìn nhận đúng năng lực của mình, từ đó có ý thức bồi dưỡng chuyên môn. Ngoài căn cứ về nội dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức và kết quả của giờ dạy khi đánh giá giờ dạy còn phải kết hợp với việc kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên

Nhờ những tiết dự giờ, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp, nhiều giáo viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, tác phong, phong cách dạy học tự tin hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, người viết cho rằng giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, việc dự giờ đã kết thúc tốt đẹp sứ mệnh lịch sử của nó, việc dự giờ hiện nay không còn cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất đúng đắn khi không còn quy định việc giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tham gia dự giờ, viết sổ dự giờ.

Thực tế, những năm gần đây, sinh viên sư phạm ra trường về chuẩn trình độ đã được nâng lên, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông có trình độ đại học, thời gian đào tạo tại trường sư phạm đã được đào tạo bài bản về nội dung, phương pháp, phương tiện giảng dạy.

Khi nhận nhiệm vụ tại các trường, thời gian tập sự được người hướng dẫn tập sự hướng dẫn (có thể dự giờ một vài tiết), sau đó, giáo viên trên thông qua các tài liệu tham khảo qua nhiều phương tiện để có thể dạy tốt mà không cần phải dự giờ.

Việc dạy trên lớp, giáo viên có thể học hỏi thông qua việc họp tổ đóng góp xây dựng bài theo hướng nghiên cứu bài học theo Công văn 5555 của Bộ Giáo dục, giáo viên có rất nhiều cách thức để tham khảo tiết dạy của đồng nghiệp.

Thông qua các bài giảng trên tivi, các bài giảng trên mạng xã hội, các bài giảng trên các kênh Youtube, kho học liệu số, bài giảng điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, google,…giáo viên sẽ dạy rất tốt, tự tin mà không cần phải được dự giờ, đi dự giờ như trước đây.

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục đã hoàn toàn đúng đắn khi không còn quy định giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có địa phương quy định giáo viên phải dự giờ, viết sổ dự giờ điều này không đúng với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và tạo áp lực không đáng có lên giáo viên.

Người viết cho rằng dạy học theo định hướng giáo dục mới, phát huy năng lực và phẩm chất người học phải mạnh mẽ cởi trói giáo viên trong việc phát huy việc chủ động trong việc sử dụng phương pháp, phương tiện dạy học.

Giáo viên có thể tham khảo nhiều nguồn, không cần phải dự giờ, chỉ cần khảo sát, nắm bắt việc học tập, tiếp thu bài của học sinh để đánh giá.

Những tiết “diễn” khi dự giờ, hay dựa vào tiết dự giờ, đánh giá giáo viên mà không xem sự tiếp thu sự tiến bộ của học sinh nên được chấm dứt.

Đây cũng là một trong những giải pháp giải tỏa áp lực trong giáo dục, góp phần tạo điều kiện, thời gian cho giáo viên chuyên tâm nghiên cứu bài, tiến tới dạy thật, học thật.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.