Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hoán đổi ngày làm việc 29/4 bù sang dịp khác để kỳ lễ kéo dài 5 ngày, từ 27/4 đến hết 1/5.

Ngày 4/4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản báo cáo Thủ tướng, đồng thời gửi 15 cơ quan, bộ ngành lấy ý kiến về đề xuất trên. Bộ lý giải dịp 30/4-1/5 có ngày 29/4 (thứ hai) nằm giữa kỳ nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ. Nếu hoán đổi và làm bù sang ngày khác thì công chức, lao động cả nước sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày. Việc này giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của công chức, lao động.

Dự kiến các ngày nghỉ dịp 30/4-1/5. Đồ họa: Gia Linh

Hiện Bộ chưa đề xuất hoán đổi ngày làm việc 29/4 vào ngày nào. Nếu được thông qua, người dân cả nước sẽ được nghỉ kéo dài từ ngày 27/4 đến hết 1/5 (thứ bảy tuần trước đến hết thứ tư tuần sau). Trong khi lịch nghỉ lễ ấn định năm nay chỉ hai ngày, 30/4-1/5, từ thứ ba đến hết thứ tư.

Đề xuất hoán đổi để nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp 30/4 | Thời Đại

Bộ luật Lao động quy định chỉ giao Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh, còn các ngày nghỉ lễ khác thực hiện theo luật hiện hành. Nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần thì được nghỉ bù vào ngày làm việc của tuần kế tiếp. Việc hoán đổi, nghỉ bù thường thực hiện vào dịp lễ Tết hàng năm nếu ngày nghỉ trùng cuối tuần, hoặc có ngày làm việc xen kẽ.

Trong tháng 4, ngoài kỳ nghỉ này, người dân cả nước còn được nghỉ một ngày 18/4 giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Lịch nghỉ trên áp dụng cho công chức, viên chức, song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động nghỉ theo lịch chung. Lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào kỳ nghỉ lễ, Tết hưởng lương ít nhất bằng 300% ngày bình thường.

Từ năm 2021, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, tùy từng năm mà Chính phủ chọn nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9. Người dân có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ chính thức trong năm. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.