Nếu chính sách cải cách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 thì dự kiến đây sẽ là nhóm thầy cô vui mừng nhất khi được nhận lương giáo viên năm 2024.

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Giáo viên trẻ vui mừng vì lương trả theo vị trí việc làm

Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, chính thức thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ 1/7/2024.

Đối với giáo viên là viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được chuyển xếp lương cũ sang bảng lương mới, bãi bỏ lương sở và hệ số lương như hiện nay.

Lương giáo viên năm 2024 sau cải cách: Đây là nhóm thầy cô vui mừng nhất- Ảnh 1.

Nhiều giáo viên kỳ vọng vào tiền lương mới sau cải cách. Ảnh minh họa: Tào Nga

Bảng lương giáo viên theo vị trí việc làm được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

– Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

– Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

– Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.

Cơ cấu tiền lương của giáo viên theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với khu vực công được quy định như sau:

– Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ lương)

– Các khoản phụ cấp (chiếm 30% tổng quỹ lương)

– Tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, với cách tính lương mới này, nhóm giáo viên trẻ là đối tượng vui mừng nhất khi mức lương nhận được xứng đáng với công sức bỏ ra, thay vì phải đợi có thâm niên lâu năm.

Vẫn còn nhiều băn khoăn khi trả lương theo vị trí việc làm

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Nguyễn Thu Hương, một sinh viên ngành Sư phạm ở Hà Nội bày tỏ: “Em đam mê làm giáo viên từ ngày còn nhỏ. Trong suốt thời gian học phổ thông và đại học em luôn nỗ lực hết mình để đạt được mơ ước này. Mới đây, khi nghe nói lương giáo viên năm 2024 sau cải cách sẽ được tăng lên, đặc biệt là trả theo vị trí việc làm để thu hút nhân tài, em rất vui. Như vậy, em và các bạn không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền khi mới đi làm nữa”.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp cho rằng, chính sách tiền lương mới áp dụng từ tháng 7/2024 có nhiều điểm mới và tạo thuận lợi cho giáo viên mới vào nghề.

Trước lo lắng của giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm bị bỏ phụ cấp thâm niên và mong muốn giữ nguyên để khẳng định sự cống hiến với nghề, bà Huyền cho rằng: “Dù nhiều tuổi nhưng có không ít thầy cô tâm huyết và bắt kịp với thời đại công nghệ số để nâng cao chuyên môn. Do đó, việc giữ nguyên phụ cấp thâm niên nghề giáo sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, để tránh tư tưởng “sống lâu lên lão làng” mà không đổi mới, cần có thêm điều kiện đi kèm tương xứng cống hiến của nhà giáo thì mới nhận được phụ cấp thâm niên”.

 

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Kiều Vũ Mạnh, giáo viên Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình, cho rằng: “Sau khi nghe thông tin lương giáo viên năm 2024 áp dụng cải cách tiền lương sẽ bỏ khoản thâm niên thì thật lòng tâm lý tôi cũng như các giáo viên khác cũng buồn và hụt hẫng.

Dù vậy, tôi cũng không quá nặng nề chuyện này, không phải vì chuyện thu nhập cao thấp bởi lương tôi cũng ở mức trung bình thôi mà tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ không để giáo viên bị thiệt. Càng yên tâm hơn khi tôi được biết lương của mọi người đều tăng.

Hiện tại tôi chưa biết bảng lương mới thế nào nhưng việc bỏ thâm niên cũng có 2 mặt. Chẳng lẽ người mới ra trường 22 tuổi lại bằng lương với người 40 tuổi? Như vậy sẽ không hợp lý, hơi bất công cho giáo viên dù cùng vị trí việc làm. Chỉ vài người có sức ì thôi chứ không phải số đông. Thực tế người đi làm 15-20 năm chắc chắn kinh nghiệm sẽ hơn hẳn bạn vừa vào nghề. Cá nhân tôi hi vọng rằng sẽ không phải “cào bằng” lương cho tất cả giáo viên mà những người có làm lâu năm sẽ có thêm một khoản thu nhập nào đó.