Lần đầu tiên, các bác sĩ đã cấy ghép một quả thận lợn đã được chỉnh sửa gien vào một bệnh nhân sau khi cho bệnh nhân này được trợ giúp bằng một máy bơm tim mới.

Kỳ diệu của y học hiện đại: Ghép thận lợn và tim nhân tạo cho người - Ảnh 1.

Quá trình cấy ghép thận lợn đã chỉnh sửa gien cho Lisa Pisano (Ảnh: Joe Carrotta cho NYU Langone Health)

Lần đầu tiên, một phụ nữ ở bang New Jersey, Mỹ đã nhận được một máy bơm tim mới cùng với việc ghép thận từ một con lợn.

Lisa Pisano, 54 tuổi, mắc cả bệnh suy tim và bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh cần được điều trị thường xuyên bằng lọc máu. Tuy nhiên, cô không đủ điều kiện để thực hiện ca ghép tim-thận kết hợp truyền thống vì cô mắc một số bệnh mãn tính. Do nguồn cung cấp nội tạng cho con người có hạn, vì vậy để đủ điều kiện nhận nhiều bộ phận cùng một lúc thì người nhận phải đáp ứng các tiêu chí nhất định mới được thực hiện ca ghép thận và tim cùng lúc.

Các bác sĩ tại NYU Langone Health, Mỹ đã bắt đầu xem xét việc cung cấp cho Pisano một máy bơm tim cơ học, được gọi là thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD), có thể kéo dài sự sống cho cô. Thế nhưng, việc có được chiếc máy bơm không đơn giản trong khi Pisano vẫn đang chạy thận nhân tạo, vì vậy cô vẫn phải đảm bảo một quả thận còn hoạt động. Vấn đề trở nên phức tạp hơn với các kháng thể lưu thông trong máu của Pisano, có nghĩa là cô phải đợi nhiều năm nữa để có được một quả thận người phù hợp với hệ miễn dịch của cô.

Khi bệnh nhân chỉ còn sống được vài tuần

Thế nhưng, cô không có nhiều thời gian để chờ đợi. “Cô ấy chỉ còn sống được vài tuần”, Tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện Cấy ghép Langone NYU, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 24/4.

Không có thận người phù hợp, nhóm phẫu thuật của Pisano đã phải tìm đến nội tạng từ lợn được chỉnh sửa gien. Cuối cùng, hai ca phẫu thuật được tiến hành trong chín ngày vào đầu tháng 4, Pisano đã nhận được một máy bơm tim, sau đó là một quả thận lợn và một tuyến ức. Theo các bác sĩ, tuyến ức giúp huấn luyện các tế bào miễn dịch của cơ thể, do đó, việc đưa tuyến này vào sẽ giúp ngăn hệ thống miễn dịch của Pisano đào thải thận.

TS Montgomery cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp hai điều kỳ diệu của y học hiện đại theo một cách mới lạ và vợ chồng Pisano rất háo hức và đồng ý được thực hiện thủ thuật này”.

Đây cũng là lần đầu tiên cả tuyến ức và thận của lợn được ghép vào người sống. NYU trước đây đã thử nghiệm quy trình tương tự trên một người hiến tạng chết não. Người ta hy vọng, tuyến ức không chỉ lập trình lại hệ thống miễn dịch của Pisano mà còn cho phép cô sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thấp hơn mức cần thiết.

TS Montgomery cho biết hiện nay, sau 12 ngày kể từ khi được cấy ghép, chức năng thận của Pisano đã hoàn hảo và cô không có dấu hiệu bị đào thải. Ông nói thêm, Pisano sẽ cần thời gian để hồi phục hoàn toàn trong cơ sở phục hồi chức năng trước khi xuất viện.