Nộp hồ sơ đã hơn một năm nhưng giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có thông tin nào về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ngày 9/12/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 4931/SGDĐT-TCCB về việc báo cáo số lượng, cơ cấu và đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2023 và đăng kí dự thi chuyên viên cao cấp. [1]

Giáo viên Trung học phổ thông vẫn chờ xét thăng hạng

Theo đó, có khoảng hơn 1.000 giáo viên công tác tại 108 trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố nộp hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho hiệu trưởng.
bai-van-ve-thay-co-giao-700-1631865368349315703330-6451.jpgẢnh minh họa trên giaoduc.net.vn.
Tiếp đến, ngày 14/2/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 571/SGDĐT-TCCB về việc rà soát, thẩm định hồ sơ viên chức đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2023. [2]

Nội dung Công văn này cho biết, hiệu trưởng cử một viên chức mang hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên đến Phòng Tổ chức cán bộ để rà soát, thẩm định.

Tiếp theo, ngày 3/3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 932/SGDĐT-TCCB về việc thông báo danh sách viên chức đủ và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2023. [3]

Theo thông báo, có 679 viên chức giáo viên bậc trung học phổ thông và 23 nhân viên các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đủ điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tuy vậy, kể từ thời điểm 3/3/2023 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có thông tin nào về thời điểm giáo viên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp khiến thầy cô giáo rất lo lắng.

Người viết là một giáo viên trung học phổ thông đang công tác tại một trường công lập trên địa bàn thành phố cũng luôn mong ngóng việc xét thăng hạng sớm được thực hiện. Chia sẻ với người viết, nhiều thầy cô giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ chờ đợi được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ năm này qua năm khác và đôi lúc cũng không tránh khỏi “tâm tư”.

Các giáo viên cho biết, kể từ khi Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT (quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập) có hiệu lực đến nay, Thành phố chỉ tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên bậc trung học phổ thông 1 lần vào năm 2022.

Trong khi đó, giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở địa phương này không gặp phải tình cảnh như vậy.

Điều này là không công bằng cho giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông như sau:

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Còn giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng III có hệ số lương 3,33 nếu được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II thì sẽ có hệ số lương 4,0.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp như giáo viên làm tổ trưởng chuyên môn nhưng chỉ là giáo viên trung học phổ thông hạng III.

Còn giáo viên không giữ chức vụ thì đã được thăng hạng chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II, khiến quản lí cấp tổ gặp không ít khó khăn trong điều hành công việc.

Chẳng hạn, theo Văn bản hợp nhất thông tư, giáo viên trung học phổ thông hạng II được tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên, còn giáo viên trung học phổ thông hạng III thì không làm những nhiệm vụ này.

Cùng với đó, nhiều giáo viên lo lắng, nếu không được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì đến thời điểm 1/7/2024 khi Chính phủ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, thầy cô giáo sẽ bị thiệt thòi trong việc chuyển xếp lương mới.

Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nói gì?

Ngày 11/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trước đây là thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nay chỉ là xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Ông Nguyễn Duy Tân giải thích: Trước đây, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được căn cứ theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Tuy nhiên, ngày 7/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chỉ thực hiện bằng hình thức xét (không còn quy định việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức).

Đồng thời, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, nên việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nói chung, viên chức giáo dục nói riêng không còn cơ sở để thực hiện.

Hiện nay, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản triển khai để các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện điều chỉnh cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng dẫn tại Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 5/1/2024 của Bộ Nội vụ, về xác định cơ cấu ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để làm cơ sở việc tổ chức xét thăng hạng viên chức.

Đồng thời, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở được phân cấp về tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc lĩnh vực quản lý khẩn trương tiến hành rà soát, lập danh sách viên chức, xây dựng dự thảo Đề án tổ chức việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (trên cơ sở cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được phê duyệt và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) để Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định, quyết định tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong thời gian sớm nhất.

Còn trong ngày 10/4/2024, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký văn bản 2122/SGDĐT-TCCB, về rà soát, lập danh sách đủ điều kiện dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức cùng với các quận, huyện; Hiệu trưởng (Giám đốc) các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc:

Rà soát, thẩm định, báo cáo số lượng, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức hiện có và đề xuất số lượng viên chức thăng hạng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, của pháp luật.

Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giờ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và các yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư từ 01 đến 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Đáp ứng về yêu cầu thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề, theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.

Trường hợp tính thời gian tương đương, thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét ít nhất 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

Lập danh sách viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 12/4/2024.

Sau thời hạn vừa nêu, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tổng hợp, và kèm theo đề án để gửi Sở Nội vụ trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, nên không tiếp nhận hồ sơ gửi trễ hạn hoặc bổ sung.