Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá quy định tổ chuyên môn tổ chức dạy học và dự giờ.

Hiện nay, chỉ có giáo viên tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.

Tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đã không còn quy định về “sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp”.

Tại điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường tiểu học và điểm a khoản 2 Điều 29 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường có nhiều cấp học có nhiều cấp học quy định:

“Giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.”

Như vậy, từ thời điểm năm 2020 không có quy định về số tiết dự giờ của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, cũng như yêu cầu cụ thể về việc tổ chức hoặc tham gia dự giờ.
5-1941-6333.pngẢnh minh họa: Doãn Nhàn/ giaoduc.net.vn.
Thế nhưng, nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông các tỉnh thành trên cả nước phản ánh với người viết rằng, thầy cô vẫn phải tham gia dự giờ, dạy thao giảng theo quy định nội bộ của từng trường học.

Giáo viên hai bậc học này vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng, phải chăng do quy định tại Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng?

Theo đó, Công văn này quy định nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá như sau (trích):

“4. Tổ chức dạy học và dự giờ

Trên cơ sở các chuyên đề dạy học đã được xây dựng, tổ/nhóm chuyên môn phân công giáo viên thực hiện bài học để dự giờ, phân tích và rút kinh nghiệm về giờ dạy. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh thông qua việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ học tập với yêu cầu như sau:

– Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

– Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác với nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị “bỏ quên”.

– Báo cáo kết quả và thảo luận: hình thức báo cáo phù hợp với nội dung học tập và kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.

– Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến thảo luận của học sinh; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.

Mỗi chuyên đề được thực hiện ở nhiều tiết học nên một nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong và ngoài lớp học.

Vì thế, trong một tiết học có thể chỉ thực hiện một số bước trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng.

Khi dự một giờ dạy, giáo viên cần phải đặt nó trong toàn bộ tiến trình dạy học của chuyên đề đã thiết kế. Cần tổ chức ghi hình các giờ dạy để sử dụng khi phân tích bài học.”

Cùng với đó, sau tiết dạy, tổ/nhóm chuyên môn còn phải họp phân tích, rút kinh nghiệm bài học theo quy định với các tiêu chí (Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH) như sau:

Nội dung
Tiêu chí

1. Kế hoạch và tài liệu dạy học
Mức độ phù hợp của chuỗi hoạt động học với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học được sử dụng.

Mức độ rõ ràng của mục tiêu, nội dung, kĩ thuật tổ chức và sản phẩm cần đạt được của mỗi nhiệm vụ học tập.

Mức độ phù hợp của thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng để tổ chức các hoạt động học của học sinh.

Mức độ hợp lý của phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động học của học sinh.

2. Tổ chức hoạt động học cho học sinh
Mức độ sinh động, hấp dẫn học sinh của phương pháp và hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập.

Khả năng theo dõi, quan sát, phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh.

Mức độ phù hợp, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập.

Mức độ hiệu quả hoạt động của giáo viên trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động và quá trình thảo luận của học sinh.

3. Hoạt động của học sinh
Khả năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp.

Mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Mức độ tham gia tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Mức độ đúng đắn, chính xác, phù hợp của các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.

Liên quan đến việc dự giờ, dạy thao giảng, đội ngũ nhà giáo đã có những quan điểm trái chiều và tranh cãi không hồi kết.

Một luồng ý kiến cho rằng, trong nhà trường, hoạt động dạy và học là hoạt động đặc thù diễn ra trong suốt cả năm học.

Đó là hoạt động chiếm vị trí trung tâm trong tất cả các hoạt động và trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị.

Muốn chất lượng giáo dục của đơn vị phát triển thì đòi hỏi công tác giảng dạy của giáo viên phải đạt hiệu quả cao, trong đó công tác dự giờ thăm lớp là nhân tố quyết định.

Cũng có ý kiến bày tỏ, vẫn nên duy trì dự giờ nhưng cần tránh tình trạng “bới lông tìm vết” đồng nghiệp.

Theo đó, đánh giá, nhận xét tiết dạy giáo viên thì lấy việc góp ý, xây dựng, động viên là chính, trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành và thuyết phục nhất.

Một luồng ý kiến khác lại nêu quan điểm, sứ mệnh lịch sử của việc dự giờ đã hết, nên thực hiện nghiêm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này giúp giải tỏa áp lực trong giáo dục, góp phần tạo điều kiện, thời gian cho giáo viên chuyên tâm nghiên cứu bài, tiến tới dạy thật, học thật.

Người viết còn nhận thấy, giáo viên vẫn dự giờ, dạy thao giảng vì Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH – về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường – có Mẫu phiếu đánh giá bài dạy.

Có thể thấy rằng, những quy định về dự giờ, dạy thao giảng vẫn còn chồng chéo ở một số văn bản như đã dẫn, gây khó khăn cho cả cấp lãnh đạo, quản lí lẫn giáo viên.

Người viết kiến nghị cần rà soát lại các quy định về dự giờ, dạy thao giảng để ban hành một văn bản hướng dẫn chung, thống nhất trên cả nước, tránh mỗi trường thực hiện một kiểu.