Thực tế, yêu cầu giáo viên phổ thông phải làm việc theo giờ hành chính là chưa phù hợp.

 

Sau khi bài viết “Giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính có khả thi?” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ý kiến này được đông đảo giáo viên bàn luận sôi nổi.

Thầy Ngô Văn Phong, giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Yêu cầu giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính, theo tôi là không cần thiết.

Lãnh đạo, nhân viên nhà trường là những vị trí việc làm khác hẳn vị trí việc làm của giáo viên, nên sẽ có chức trách, nhiệm vụ khác giáo viên.

Ngoài ra, lãnh đạo, nhân viên nhà trường có phòng làm việc riêng, phòng chức năng riêng để làm việc, phải trực để giải quyết các việc liên quan công tác hành chính nên buộc phải làm việc theo giờ hành chính.

Theo tìm hiểu của tôi, chưa thấy nơi nào có phòng làm việc riêng cho giáo viên, chỉ có phòng họp, phòng nghỉ cho giáo viên chờ giờ lên lớp. Nếu tất cả giáo viên đến trường dù hôm không có tiết dạy, vậy họ ngồi đâu để làm việc?

Vì vậy, đem lãnh đạo, nhân viên nhà trường làm việc theo giờ hành chính để so sánh với giáo viên và đề xuất giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính là khập khiễng, không phù hợp”.
424680832_1081919269916640_7313072246326601580_n.jpgThầy Nguyễn Đức Trung (thứ 4 hàng trước từ bên phải sang). Ảnh NVCC
Thầy Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Theo tôi thì chưa cần, đúng hơn là chưa nên yêu cầu giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính.

Giáo viên là một nghề đặc thù, ngoài thời gian lên lớp theo thời khóa biểu, giáo viên còn cần thời gian chuẩn bị kế hoạch bài dạy, biên tập tài liệu giảng dạy…

Việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy, biên tập tài liệu giảng dạy… không phải cứ lên trường mới làm tốt mà có thể làm ở nhà hoặc một không gian khác phù hợp với từng cá nhân.

Điều quan trọng là lãnh đạo, quản lý cần có giải pháp đánh giá chính xác chất lượng giảng dạy của từng giáo viên để có những tư vấn thích hợp, giúp giáo viên cải thiện hiệu quả công việc của từng cá nhân.

Với văn hóa công vụ, điều kiện cơ sở vật chất và đặc biệt là tiền lương hiện tại chưa phù hợp với định hướng yêu cầu giáo viên làm việc theo giờ hành chính”.

Cô giáo Vũ Thị Loan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Minh Châu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Theo tôi, không cần yêu cầu giáo viên làm việc theo giờ hành chính.

Giáo viên chỉ cần đảm bảo lên lớp theo tiết dạy tiêu chuẩn quy định, thực hiện theo thời khóa biểu của nhà trường; giáo viên thực hiện đúng và đầy đủ các quy định hội họp, dự giờ học hỏi đồng nghiệp …

Thời gian còn lại để giáo viên tự nghiên cứu bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, soạn bài,… Tuy nhiên, nếu nhà trường có tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể thì giáo viên vẫn phải tham gia.

Nếu không có việc gì liên quan đến giáo viên nhưng yêu cầu giáo viên lên trường sẽ mang tính hình thức, lãng phí nguồn lực của cá nhân và xã hội.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp giáo viên chưa được phân thời khóa biểu, thuộc đối tượng giáo viên dự bị, giáo viên dự bị phải lên trường trực để sẵn sàng dạy thay những giáo viên nghỉ đột xuất, làm những việc theo điều động của lãnh đạo nhà trường, nhưng thời gian không quá 8 giờ/ngày”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Từ thực tế, tôi thấy đề xuất yêu cầu giáo viên làm việc theo giờ hành chính chưa phù hợp, trừ trường hợp giáo viên được phân công nhiệm vụ khác ngoài công tác giảng dạy thì giáo viên đó lên trường làm việc theo giờ hành chính.

Hãy để giáo viên làm công tác giảng dạy chủ động sắp xếp thời gian cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch bài dạy …

Việc để giáo viên chủ động thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ giảng dạy của mình giúp tinh thần giáo viên thoải mái và chắc chắn đạt kết quả tốt nhất.

Hơn nữa, nếu yêu cầu giáo viên làm việc theo giờ hành chính thì phải đảm bảo về cơ sở vật chất, để đảm bảo không gian cho giáo viên ngồi làm việc, tập trung nghiên cứu, thảo luận cùng đồng nghiệp … nhưng thực tế cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng được”.

Người viết cũng tham khảo thêm ý kiến của nhiều giáo viên, phần lớn giáo viên đều cho rằng yêu cầu giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính là không phù hợp với thực tế.

Vậy, có văn bản pháp luật nào yêu cầu giáo viên phổ thông làm việc tại cơ quan giờ hành chính?

Theo Thông tư Số: 28/2009/TT-BGDĐT Ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT: [1]

Định mức tiết dạy của giáo viên ở cấp bậc tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên ở cấp bậc trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên ở cấp bậc trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.

Người viết tìm hiểu, chưa thấy bất kì một quy định hay văn bản pháp luật nào yêu cầu giáo viên phổ thông phải làm việc đến trường làm việc theo giờ hành chính.

Như vậy, từ thực tế và yêu cầu của pháp luật hiện tại, việc yêu cầu giáo viên phổ thông phải làm việc theo giờ hành chính là chưa phù hợp.