Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, 5 trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc có thật trong lịch sử này sở hữu những đặc điểm gì?

Thi Nại Am (1296—1370) là một tiểu thuyết gia sống vào thời cuối thời nhà Nguyên đến đầu thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc.

Sau khi từ quan về ở ẩn, ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết dài tập kinh điển “Thủy Hử” dựa trên những câu chuyện truyền miệng nổi tiếng trong dân gian về cuộc khởi nghĩa nông dân do Tống Giang dẫn đầu.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 1.

Chân dung Thi Nại Am. Nguồn: Zghaq.gov.cn

Trong “Thủy Hử”, đa số các nhân vật đều là hư cấu. Tuy nhiên, ít nhất có 5 nhân vật trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc là có thật – được ghi chép trong sử sách thời Bắc Tống – truyền cảm hứng cho Thi Nại Am viết nên những trang tiểu thuyết ca ngợi dũng khí của anh hùng Lương Sơn Bạc.

Họ là ai?

1. Tống Giang

Tống Giang là một nhân vật có thật trong lịch sử, cuộc đối đầu của Tống Giang với Phương Lạp đã được ghi chép rõ ràng trong sử sách.

Khác với tiểu thuyết, sử sách không kể lại chuyện đã xảy ra với Tống Giang mà chỉ nói rằng Trương Thúc Dạ – danh tướng cuối thời Bắc Tống – dùng thủ đoạn để chiêu mộ Tống Giang. Sau đó, Tống Giang quy phục triều đình, giữ chức Sở Châu an phủ sứ và tham gia vào trận chiến để bình định Phương Lạp.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

 

Trong “Thủy Hử”, Tống Giang là nhân vật trung tâm, góp mặt trong nhiều tình tiết và sự kiện quan trọng.

Được biết đến với biệt danh “Hô Bảo Nghĩa” (Người kêu gọi chính nghĩa), Tống Giang là thủ lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc và là người đóng vai trò cốt yếu trong việc hình thành, phát triển và sụp đổ của nghĩa quân Lương Sơn.

Về sau, thủ lĩnh Tống Giang bị 4 tên gian thần là Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu và Dương Tiễn mưu hại bằng rượu độc.

2. Võ Tòng

Trong lịch sử, Võ Tòng từ lâu được cho là nhân vật hư cấu do Thi Nại Am sáng tạo ra. Tuy nhiên, sau này các bằng chứng lịch sử đã chỉ ra rằng Võ Tòng là nhân vật có thật.

Ông không chỉ là một trong những đầu lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lương Sơn tại Sơn Đông năm 1120 do Tống Giang lãnh đạo, mà còn được biết đến với biệt danh “Võ hành giả” trong các sách sử như “Đại Tống Tuyên Hòa di sự” thời cuối Nam Tống.

Võ Tòng được mô tả là một trong 30 thủ lĩnh của Lương Sơn Bạc, và triều đình thậm chí treo thưởng lớn cho việc bắt giữ ông, mức thưởng chỉ sau Tống Giang.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 3.

Trong “Thủy Hử” của Thi Nại Am, Võ Tòng được nhắc đến qua nhiều sự kiện tiêu biểu như “Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương”, “Võ Tòng sát tẩu”, và nhiều hơn nữa.

Sau chiến thắng trước quân Phương Lạp, Võ Tòng xuất gia và sống tại chùa Lục Hòa ở Hàng Châu, thọ 80 tuổi.

3. Quan Thắng

Quan Thắng – thủ lĩnh của Ngũ hổ tướng Lương Sơn Bạc (gồm Quan Thắng, Lâm Xung, Tần Minh, Hô Diên Chước và Trương Thanh) – dưới ngòi bút của Thi Nại Am là một vị tướng vô cùng xuất chúng.

Là hậu nhân của “Võ Thánh” Quan Vũ, Quan Thắng là người vừa thông minh dũng cảm, vừa có lòng nhân nghĩa cao ngút trời. Ông thể hiện tài năng của mình qua hàng loạt chiến công hiển hách trong các trận đánh với Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp.

Sau này, ông được triều đình phong chức Tổng quản binh mã Phủ đại danh thành Bắc Kinh – thuộc hàm quan Tứ phẩm.

Không mất mạng vì bị kẻ ác mưu hại, cũng không tử trận khi giao đấu, Quan Thắng mất vì ngã ngựa do say rượu và qua đời vì bệnh tật về sau.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 4.

Thực tế, Quan Thắng là nhân vật có thật. Lịch sử Trung Quốc cũng ghi chép về một Quan Thắng khác, người này là một vị tướng lĩnh dưới quyền Tống Vũ Đế Lưu Dự – hoàng đế khai quốc của nhà Lưu Tống. Quan Thắng nổi tiếng là người trung nghĩa, chính trực. Người đời ngưỡng mộ không kém Quan Vũ nên gọi là Đại đao Quan Thắng.

Quan Thắng trong lịch sử đảm nhiệm vị trí tướng trấn thủ thành Tế Nam, không liên quan tới nghĩa quân Lương Sơn.

4. Dương Chí

Trong “Thuỷ Hử”, Dương Chí có biệt danh là Thanh Diện Thú (Thú mặt xanh) vì trên mặt người này có vết bớt màu xanh.

Sau một trận chiến kịch tính và không phân thắng bại với Lâm Xung, tài năng võ thuật của Dương Chí đã được mọi người công nhận và ông cũng từ đó có mối quan hệ sâu đậm với Lương Sơn Bạc. Về sau, khi cùng Tống Giang chiến đấu chống lại quân Phương Lạp, Dương Chí đã bị tướng địch Phương Thiên Định – thái tử của Phương Lạp – chém mất một chân. Cuộc chiến chống Phương Lạp kết thúc, Dương Chí qua đời do bệnh tật.

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 5.

Lịch sử ghi chép rằng Dương Chí thực sự là một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy do Tống Giang khởi xướng tại Sơn Đông vào năm 1120.

Sau cùng, cuộc nổi dậy này bị Trương Thúc Dạ dập tắt, Dương Chí đã chấp nhận ơn cứu mạng và được bổ nhiệm làm tướng tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại quân Kim trong khoảng thời gian từ năm 1126 đến 1127. Tuy nhiên, những chi tiết về cuộc sống và cái chết của Dương Chí sau đó không còn được ghi chép lại.

5. Yến Thanh

Trong “Thủy Hử”, Yến Thanh được biết đến với biệt danh “Lãng Tử” và là một trong những đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc, đứng thứ 36 dưới sự bảo hộ của Thiên Xảo Tinh. Yến Thanh mồ côi từ nhỏ và lớn lên tại Đại Danh, Bắc Kinh. Khi mới 13 tuổi, Thanh đã được Lư Tuấn Nghĩa nhận về nhà và coi như con nuôi.

Yến Thanh sau này trở thành một phần của lực lượng khởi nghĩa do Tống Giang dẫn đầu vào năm 1120 và nổi tiếng là một võ sư tại Hà Bắc.

Nhân vật này được Thi Nại Am miêu tả với vẻ ngoài điển trai, tính cách phóng khoáng và đức hạnh, cùng với kỹ năng võ thuật xuất chúng và tài hoa trong âm nhạc, đánh đàn làm say lòng người. Sau khi khởi nghĩa Phương Lạp được dẹp yên, Yến Thanh đã viết một bức thư chia tay anh em Lương Sơn và lặng lẽ rời đi.

 

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, 5 nhân vật này có thật trong lịch sử: Người thứ 3 được ví như Quan Vũ- Ảnh 8.

Ảnh minh họa.

 

Theo các ghi chép lịch sử, Yến Thanh cũng là một trong 30 thủ lĩnh của cuộc nổi loạn nông dân từ Sơn Đông, cùng với Tống Giang vào năm 1120.

Sau khi Tống Giang và một số thủ lĩnh khác đầu hàng Trương Thúc Dạ và nhận chức từ triều đình, Yến Thanh đã rời bỏ, lang thang khắp nơi. Cuối cùng ông định cư tại Hà Bắc, mở lò dạy võ và truyền bá phái Yến Thanh Quyền – sau này nổi tiếng khắp Trung Hoa với cái tên Mê Tông Quyền.