Quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định là rất phù hợp và nhận được sự đồng tình cao trong đội ngũ nhà giáo

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 6 tuổi, đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Đường đến một điểm Trường Mầm non Lượng Minh, Tương Dương (Ảnh nhà trường cung cấp)

Đường đến một điểm Trường Mầm non Lượng Minh, Tương Dương (Ảnh nhà trường cung cấp)

Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.[1]

Giáo viên mầm non lớn tuổi gặp khó khăn trong công tác chăm sóc trẻ

Trước thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nói bản thân cũng thấy rất vui mừng.

Cô Thuý Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lượng Minh, Tương Dương (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô Thuý Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lượng Minh, Tương Dương (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô Thuý Hằng cho biết, địa bàn cô công tác có những cô giáo mới bước sang tuổi 50 cũng đã muốn được về hưu vì công việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non đòi hỏi giáo viên phải có nhiều sức khoẻ mới đảm nhận tốt.

Cô Thuý Hằng đã đưa ra một số rào cản để thấy được việc đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non hiện nay của Bộ Giáo dục là vô cùng hợp lý.

Học sinh mầm non không thích học với “cô bà”

Cô Thuý Hằng giải thích, “cô bà” là cách mà những học sinh mầm non vùng Tương Dương dành để gọi cho những cô giáo đã bước sang độ tuổi 50. Thường thì các em học sinh không thích học với “cô bà” mà thích học với cô giáo trẻ, vừa đẹp lại vừa vui nhộn.

Nói rồi, cô Hằng chia sẻ, độ vất vả của giáo viên mầm non thì nhiều lắm. Nếu ở vùng xuôi, giáo viên mầm non khổ một thì giáo viên mầm non vùng núi, độ vất vả phải cao gấp nhiều lần.

Người lớn tuổi, người yếu sức khoẻ sẽ khó mà đi lại để trụ với nghề. Đường đến trường khá khó khăn. Người đi gần nhất cũng mười mấy cây số. Người đi xa phải tới vài chục cây. Vì thế, gần như giáo viên mầm non đi dạy nguyên tuần mới về.

Thậm chí, không ít trường, cả tháng giáo viên mới về nhà được một lần. Đường đi xa, nhiều đoạn phải trèo đèo lội suối, đi thuyền, đi xe máy rồi lại đến đi bộ. Các cô giáo trẻ còn đủ sức để vượt suối, băng rừng chứ giáo viên già như thế thì đi sao nổi?

Vì thế, khi phân công chuyên môn, nhà trường cũng phải cân nhắc đưa giáo viên trẻ đi những vùng khó. Còn giáo viên cao tuổi được phân công giảng dạy ở những điểm trường thuận lợi hơn.

Khó khăn của giáo viên già

Cô Thuý Hằng cho biết: Công việc của các cô mẫu giáo là chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Cô giáo phải lo cho các em ăn, ngủ, rửa chân tay mặt mũi. Nhiều em đi vệ sinh ra quần phải lau rửa. Các cô giáo lớn tuổi, việc thao tác cũng chậm hơn nên khá khó khăn.

Ngoài việc chăm sóc trẻ thì việc lên lớp của giáo viên mầm non hiện nay cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy. Giáo viên trẻ lên lớp linh hoạt và nhanh nhẹn hơn, rất phù hợp với yêu cầu của chương trình mới hiện nay.

Ngược lại, hạn chế của các cô giáo lớn tuổi là phản ứng với công việc có phần chậm chạp hơn. Ngoài ra, chuyện công nghệ thông tin cũng có phần hạn chế. Nhiều giáo viên khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Bên cạnh đó, tuổi cao giáo viên còn bị ảnh hưởng của thính giác, thị giác, sức khoẻ suy giảm khi mắc nhiều chứng bệnh gây khó khăn cho việc vận động và đi lại. Điều này, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi quy định là rất phù hợp và nhận được sự đồng tình cao trong đội ngũ nhà giáo.