Eneh Davidson Caleb bị cáo buộc cùng đồng phạm người Việt lập hơn 200 công ty “ma” để tội phạm nước ngoài chuyển tiền vào, đổi sang USD rồi đưa qua Campuchia.

Ngày 27/4, Eneh Davidson Caleb (28 tuổi, quốc tịch Nigeria) và vợ Nguyễn Thị Thanh Thúy (35 tuổi) cùng 11 người bị Công an TP HCM bắt tạm giam để điều tra các hành vi Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trong đó, riêng tiệm vàng Đức Long (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) bị cáo buộc chuyển khoảng 13.000 tỷ đồng thành USD, đưa qua Campuchia cho đồng phạm.

Nhữnng thành viên băng tội phạm bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp

Truy vết theo dòng tiền lừa đảo

Trước đó, đầu tháng 4, cảnh sát nhận được nguồn tin về công ty có trụ sở tại Ukraine bị nhóm tội phạm lừa đảo bằng cách dùng email giả email của đối tác. Doanh nghiệp này sau đó thỏa thuận, chuyển tiền làm ăn vào một số tài khoản của ngân hàng tại TP HCM do nhóm này đưa ra.

Lần theo dòng tiền, cảnh sát phát hiện số tiền này được chuyển lòng vòng sau đó rút ra, đưa sang nước ngoài. Xác định đây là băng nhóm tội phạm nước ngoài móc nối người Việt Nam để hoạt động, Công an TP HCM chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) lập chuyên án.

Từ đây, cảnh sát xác định 13 người có liên quan. Họ trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội. Các nghi phạm khai còn mở hơn 700 tài khoản cá nhân để chuyển tiền qua lại.

PC01 phối hợp nhiều đơn vị đồng loạt xác minh hơn 100 tài khoản có liên quan, bắt, khám xét 12 địa điểm thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu… Đặc biệt khi khám xét nhà vợ chồng Eneh Davidson Caleb, cảnh sát tạm giữ 234 con dấu của các công ty “ma” đã được thành lập để sử dụng phạm tội.

Cảnh sát khám xét tiệm vàng Đức Long. Ảnh: Công an cung cấp

Rửa tiền như thế nào

Nhà chức trách xác định, sau khi lừa được tiền của doanh nghiệp ở nước ngoài, băng nhóm này chỉ đạo đồng phạm ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” có tên giống với đối tác, mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ để “nhận tiền làm ăn” nhưng thực tế là nhận tiền lừa đảo.

Số tiền này sau khi nhận sẽ đổi sang VNĐ, chuyển lòng vòng nhiều doanh nghiệp, cá nhân, rồi rút tiền mặt. Trong đó, tiền được đưa đến cơ sở Yến Sào Kingfood (đường Lê Đại Hành, quận 11) và tiệm vàng Đức Long (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) để chuyển thành USD, đưa qua Campuchia cho đồng phạm.

Khám xét hai cơ sở này, công an đã tạm giữ hơn 9 tỷ đồng, hơn 1,5 triệu USD và nhiều ngoại tệ khác chuẩn bị đưa sang nước ngoài.

Tài liệu điều tra ban đầu thể hiện tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật của tiệm vàng Đức Long khoảng 13.000 tỷ đồng.

Thiếu tướng Mai Hoàng (giữa) cùng đại tá Trần Thị Kim Lý (đứng) chỉ đạo phá án. Ảnh: Công an cung cấp

Đại tá Trần Thị Kim Lý, Trưởng phòng PC01, đánh giá việc triệt phá chuyên án trên là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong tình hình mới. Cơ quan điều tra đã tổ chức hàng chục tổ công tác lần theo dấu vết, sau hai tuần triển khai đã triệt phá được đường dây này.

Công an TP HCM đang điều tra mở rộng, xử lý những người liên quan.