Từ Việt Á, AIC tới Phúc Sơn, Thuận An…, hầu như vụ đại án tiêu cực, tham nhũng nào được phát hiện đều liên quan đến các cơ quan nhà nước. Vụ án nào cũng đều có “bóng hình” của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Những đại án tại khu vực kinh tế ngoài nhà nước

Thời gian vừa qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an liên tiếp điều tra khởi tố các vụ án kinh tế, tham nhũng như: Phúc Sơn, Thuận An… gây xôn xao dư luận.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can, trong đó có 1 Bí thư tỉnh ủy, 1 Chủ tịch HĐND tỉnh; 2 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên Bí thư tỉnh ủy, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 1 Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị bắt liên quan đến vụ “Hậu Pháo”. Ảnh Bộ Công an

Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 7 người, trong đó có có ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; 3 cán bộ tỉnh Bắc Giang và 3 lãnh đạo Tập đoàn Thuận An.

Tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp vì công cuộc này gắn liền với quyền lực nhà nước. Rõ ràng lòng “tham” thì nhiều người có nhưng để “nhũng” thì không ai cũng có thể “nhũng” được mà phải gắn với người có chức vụ, có quyền lực.

Khi tham nhũng gắn liền với quyền lực nhà nước, nhưng cơ quan chỉ đạo lại là cơ quan quyền lực nhà nước, cuộc chiến lại càng khó khăn, khốc liệt vì nếu không làm tới nơi tới chốn, quyết liệt, sẽ dễ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, xuê xoa, nể nang. Và nguy hiểm nhất là sẽ làm nhân dân mất niềm tin.

Các đại án Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An… đều là khu vực kinh tế ngoài nhà nước và liên quan đến hầu hết các cơ quan nhà nước, dính dáng tới rất nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý của chúng ta.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ” tại vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Giang

Có thể nói, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có tầm nhìn xa trông rộng, đã sớm thấy những mầm mống và đã sớm phát hiện ra vấn đề này. Trong báo cáo chính trị Đại hội XIII có nêu “phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từng bước mở rộng ra khu vực kinh tế ngoài nhà nước”. Chính vì vậy, từ sau Đại hội XIII đến nay, chúng ta tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân.

Từ vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và một số vụ án kinh tế khác xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân gần đây, có thể rút ra một số nhận xét khái quát sau:

Tất cả các vụ án tuy xảy ra ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhưng đều liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước và dính líu đến nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị các cấp.

Những vụ việc này đều xảy ra đã khá lâu và diễn ra liên tục trong một thời gian dài, thậm chí cả chục năm, nay mới bị phanh phui và đưa ra ánh sáng công lý.

Thủ đoạn phạm tội của các bị can trong các vụ án cơ bản giống nhau về bản chất và hình thức phạm tội.

Bản chất phạm tội vẫn là đưa hối lộ và nhận hối lộ; hình thức phạm tội là lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, đưa hối lộ cho những cán bộ có chức vụ, có quyền, có khả năng chi phối, thao túng, gây sức ép đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan để doanh nghiệp trúng được những gói thầu béo bở, thậm chí vượt quá năng lực của doanh nghiệp, làm không ít công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, gây bức xúc trong nhân dân…

Những đại án vừa qua đã để lại những hậu quả khôn lường, khó khắc phục, đó là làm thất thoát, thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Nhưng đau xót hơn nữa, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước bị suy thoái, vi phạm khuyết điểm phải thi hành kỷ luật, một số phải xử lý bằng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội; uy tín và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng bị giảm sút, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước bị xói mòn.

Bài học kinh nghiệm xương máu

Từ thực tế của các vụ đại án nêu trên, thực tế cho thấy nguyên nhân cơ bản là công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên, chặt chẽ.

Việc theo dõi, quản lý, nắm tình hình cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở chưa sâu sát, chặt chẽ, hiệu quả; công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy cấp trên và việc tự kiểm tra của cấp mình chưa được coi trọng thường xuyên nên không phát hiện kịp thời sai phạm để xử lý.

Do vậy, bài học kinh nghiệm xương máu cần rút ra là: Với những tổ chức cá nhân vi phạm phải xử lý kiên quyết, dứt điểm, tránh nửa vời, vì không ít trường hợp đã được kiểm tra, phát hiện vi phạm, nhưng xử lý lại nửa vời, không dứt điểm.

Chính vì vậy, những vi phạm nhỏ lại tích tụ, phát triển thành những sai phạm lớn và dẫn đến vi phạm nghiêm trọng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà hậu quả cuối cùng là làm thất thoát, thiệt hại về kinh tế và mất mát nhiều cán bộ, đảng viên, suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước, tránh để buông lỏng như thời gian qua.

Tác giả bài viết, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: NVCC

Và hơn hết, để ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng từ sớm, từ xa, không gì khác chúng ta phải từng bước hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách, tập trung vào kiểm soát quyền lực của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người quản lý và đứng đầu.

Vừa qua Bộ Chính trị ban hành một loạt quy định về kiểm soát quyền lực, vì Đảng ta hiểu rõ, tham nhũng chính là bóng hình, là khuyết tật của quyền lực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thể chế về phòng, chống tham nhũng tiêu cực… cùng cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng tiêu cực”.

Việc đưa ra xét xử những đại án vừa qua có liên quan rất nhiều tới cán bộ lãnh đạo Nhà nước càng khẳng định quan điểm của Đảng ta là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không chịu sức ép từ bất cứ một tổ chức, cá nhân nào.

Thậm chí, chúng ta đã thấy cả những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng phải chịu các mức kỷ luật Đảng nghiêm khắc do thiếu giám sát, để cấp dưới có hành vi vi phạm pháp luật.

Điều này một lần nữa khẳng định, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống lại nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí do Đảng ta phát động vẫn đang được triển khai một cách bài bản, lớp lang, quyết liệt, lâu dài và chắc chắn sẽ dành được những thành tựu đáng kể.

Đau xót hơn nữa, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước bị suy thoái, vi phạm khuyết điểm phải thi hành kỷ luật, một số phải xử lý bằng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.